Loading...
Đăng nhập

BÀI TUYÊN TRUYỀN

PHÒNG CHỐNG BỆNH GIUN TRUYỀN QUA ĐẤT

 Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các bệnh giun truyền qua đất gồm 3 loại chính là giun đũa, giun tóc và giun móc phổ biến ở Việt Nam cũng như nhiều nước thuộc khu vực nhiệt đới và cận  nhiệt đới, nhất là vùng cận sa mạc Sahara châu Phi, châu Mỹ, Trung Quốc và Đông Nam Á.

Các bệnh giun truyền qua đất nằm trong số những bệnh lây truyền phổ biến nhất trên thế giới và ảnh hưởng lớn đến các quốc gia kém phát triển và đang phát triển. Bệnh lây truyền từ trứng giun có trong phân người thải ra ngoài làm đất bị nhiễm và bệnh thường xuất hiện tại những khu vực có tình trạng vệ sinh yếu kém, những loại giun ký sinh chủ yếu gây bệnh cho người tuyền qua đất hiện nay là giun đũa (Ascaris lumbricoides), giun tóc (Trichuris trichiura) và giun móc/mỏ (Necator americanus/Ancylostoma duodenale). Phòng chống bệnh dựa trên tẩy giun định kỳ, truyền thông, giáo dục sức khỏe để phòng chống tái nhiễm, vệ sinh môi trường để giảm đất bị ô nhiễm với trứng nhiễm, sử dụng các loại thuốc an toàn và hiệu quả có sẵn để phòng chống bệnh.

 

Tỷ lệ nhiễm và phân bố bệnh giun truyền qua đất trên thế giới

WHO ước tính có hơn 2 tỷ người với khoảng 24% dân số trên toàn thế giới bị nhiễm giun truyền qua đất, trong đó trẻ em dễ bị phơi nhiễm bệnh do tình trạng thể chất, dinh dưỡng và nhận thức kém. Hơn 270 triệu trẻ em trước tuổi đến trường và hơn 600 triệu trẻ em trong độ tuổi đến trường sống ở những nơi mà các ký sinh trùng được lan truyền mạnh mẽ, có nhu cầu điều trị và can thiệp phòng ngừa. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm  giun truyền  qua đất  cao từ 50 - 97% tùy theo vùng, miền.

 

Đường lây truyền 

 

Các bệnh giun truyền qua đất được truyền qua trứng giun từ phân của người bị nhiễm bệnh thải ra ngoài đất, giun trưởng thành sống trong ruộtvà từ đây hàng ngàn trứng được sinh ra mỗi ngày. Trứng giun sau khi thải ra đất theo phân làm cho đất bị nhiễm, đặc biệt tại các nơi thiếu vệ sinh. Sự nhiễm bệnh có thể xảy ra với một số cách như trứng theo vào đường tiêu hóa từ các loại rau ăn sống hoặc các loại rau không được nấu chín kỹ, rửa sạch, bóc vỏ; từ các nguồn nước bị nhiễm trứng giun; trẻ em nghịch đất cát nhiễm trứng giun, sau đó đưa tay vào miệng.Ngoài ra, trứng giun móc nở trong đất, phát triển thành ấu trùng có thể chủ động xâm nhập vào da, những người bị nhiễm giun móc thường do thói quen đi không mang dày dép trên đất bị ô nhiễm.Bệnh không lây trực tiếp từ người sang người hoặc nhiễm từ phân tươi vì trứng giun được thải ra ngoài theo phân cần khoảng 3 tuần để phát triển thành trứng có ấu trùng mới có thể gây nhiễm, một khi giun trưởng thành không sinh sản được trong vật chủ (con người), trường hợp tái nhiễm chỉ xảy ra khi người tiếp xúc với giai đoạn có thể lây truyền của ký sinh trùng ngoài môi trường.


Tỷ lệ mắc bệnh và triệu chứng 

Tình trạng nặng hay nhẹ của bệnh liên quan mật thiết đến số lượng giun ký sinh trong cơ thể vật chủ, những người bị nhiễm nhẹ thường không có triệu chứng, nhiễm nặng hơn có thể gây ra một loạt các triệu chứng bao gồm các bệnh lý ở đường ruột (tiêu chảy và đau bụng), gây cảm giác khó chịu, cơ thể mệt mỏi trong khi tinh thần và thể chất bị sa sút. Người nhiễm giun móc gây mất máu mạn tính ở ruột và có thể dẫn đến thiếu máu.

Ảnh hưởng đến dinh dưỡng 

Bệnh giun truyền qua đất làm giảm tình trạng dinh dưỡng của người theo nhiều phương thức khác nhau như giun ký sinh lấy các chất dinh dưỡng từ các mô của cơ thể vật chủ, bao gồm máu, dẫn đến sự thiếu máu và protein. Giun ký sinh làm tăng thêm sự kém hấp thụ dinh dưỡng, ngoài ra có thể có thể cạnh tranh vitamin A ở ruột. Các bệnh giun truyền qua đất cũng gây ra mất cảm giác ngon miệng, do đó giảm lượng dinh dưỡng đưa vào cơ thể, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe thể chất, đặc biệt nhiễm giun tóc có thể gây tiêu chảy và bệnh lỵ. Suy dinh dưỡng do các bệnh giun truyền qua đất gây ra được công nhận là có một tác động đáng kể đến sự tăng trưởng và phát triển thể chất.

Chiến lược phòng chống của WHO

Năm 2001, các đại biểu tham dự Hội đồng Y tế thế giới (WHA) đã nhất trí thông qua nghị quyết WHA54.19, kêu gọi các nước có lưu hành các bệnh giun sán bắt đầu nghiêm túc giải quyết bệnh do giun sán gây ra, đặc biệt bệnh sán máng và giun truyền qua đất. Mục đích các chiến lược kiểm soát nhiễm giun truyền qua đất là công tác phòng chống thông qua việc điều trị định kỳ người dân sống trong vùng dịch tễ, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ là trẻ em mầm non (preschool children), trẻ em ở tuổi đi học (school-age children), phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ kể cả phụ nữ mang thai 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ, phụ nữ cho con bú) (women of childbearing age including pregnant women in the second and third trimesters and breastfeeding women). 

WHO khuyến cáo dùng thuốc tẩy giun định kỳ mà không cần chẩn đoán trước cho người dân sống trong vùng lưu hành bệnh, cần thiết điều trị một lần một năm khi tỷ lệ nhiễm giun truyền qua đất trong cộng đồng trên 20% và hai lần một năm khi tỷ lệ nhiễm trong cộng đồng trên 50%, sự can thiệp này làm giảm tỷ lệ mắc bệnh bằng cách giảm gánh nặng bệnh tật do giun sán gây ra. Ngoài ra cần có các can thiệp khác như giáo dục sức khỏe và vệ sinh cá nhân làm giảm sự lây truyền và tái nhiễm bằng cách khuyến khích các hành vi sống lành mạnh; cung cấp vệ sinh đầy đủ cũng rất quan trọng nhưng không phải lúc nào cũng có thể với nguồn lực hạn chế. Kiểm soát tỷ lệ mắc bệnh nhằm giảm cường độ nhiễm và bảo vệ cộng đồng có nguy cơ cao tránh nhiễm bệnh thông qua điều trị định kỳ. Việc tẩy giun định kỳ có thể dễ dàng kết hợp với những chương trình y tế học đường, trong năm 2013, hơn 368 triệu học sinh phổ thông đã được điều trị bằng các loại thuốc tẩy giun có sẳn tương ứng với 42% của tất cả các trẻ em có nguy cơ.

Thuốc tẩy giun được WHO khuyến cáo sử dụng

Albendazole 400mg và mebendazole 500mg được WHO chọn dùng trong chương trình tẩy giun trên toàn cầu là hai dược phẩm hiệu quả, an toàn, giá thành rẻ, dễ sử dụng và quản lý khi tiến hành chiến dịch tẩy giun ngay cả khi đó không phải là nhân viên y tế. Tuy nhiên những người này phải được tập huấn trước đó, hiện cả hai loại thuốc tẩy giun này WHO cung cấp miễn phí đến các quốc gia có lưu hành các bệnh giun truyền qua đất để điều trị cho tất cả trẻ em mầm non và tiểu học.

Mục tiêu toàn cầu (Global target)

WHO đặt mục tiêu đến năm 2020 là giảm thiểu tác hại và tỷ lệ nhiễm của các bệnh giun truyền qua đất ở trẻ em. Để đạt được mục tiêu này, tối thiểu 75% trẻ em (tương đương với khoảng 873 triệu trẻ) ở vùng lưu hành bệnhđược tẩy giun định kỳ trong nhiều năm.

 Từ năm 2006 đến nay, ngành Y tế đã triển khai nhiều chương trình tẩy giun miễn phí cho các đối tượng như: trẻ từ 06-24 tháng, học sinh tiểu học và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn toàn tỉnh. Nhờ có chương trình này, từ năm 2011 đến nay đã có trên 500 ngàn học sinh tiểu học, 365 ngàn trẻ từ 24-60 tháng, gần 700 ngàn phụ nữ trong độ tuổi sinh sản được uống thuốc tẩy giun. Sau một số năm triển khai thực hiện, tình trạng người bị các tai biến do giun giảm mạnh, nhiều năm nay trên địa bàn tỉnh không có trường hợp nào bị các tai biến, biến chứng do giun cần phải can thiệp về y tế, góp phần nâng cao sức khỏe cho nhân dân, giảm tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng, thiếu máu.  Cô Nguyễn Thị Hương - Hiệu trưởng trường mầm non Thạch Xuân cho biết: nhờ tẩy giun định kỳ cho các cháu 6 tháng một lần nên hơn 200 cháu theo học tại trường đều phát triển tốt, cân nặng, chiều cao, sức khỏe đảm bảo, ít bị rối loạn tiêu hóa, thiếu máu.

Theo Bác sỹ Nguyễn Hữu Thanh - GĐ Trung tâm Phòng chống SR-KST-CT: Nhiễm giun đường ruột cho đến nay vẫn bị xếp vào nhóm bệnh nhiệt đới ít được quan tâm do các triệu chứng, biểu hiện không rầm rộ như nhiều bệnh truyền nhiễm cấp tính hay các nguy cơ khác, nên chưa được cộng đồng quan tâm đúng mức. Tuy nhiên ít ai biết rằng, nhiễm giun sán ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, trí tuệ và sự phát triển toàn diện của trẻ. Các tác hại của nhiễm giun phụ thuộc vào các yếu tố như số lượng giun, thời gian nhiễm lâu hay mới, cơ quan nhiễm, sức đề kháng của người bị nhiễm, tình trạng dinh dưỡng của cơ thể. Như giai đoạn ấu trùng, giun đũa và giun móc có thể gây viêm phổi dị ứng, giun móc gây viêm da tại chỗ do ấu trùng qua da. Ở giai đoạn giun trưởng thành, do chất tiết của giun, hoạt động của giun gây kích thích hóa học, cơ học tại chỗ làm thành ruột bị tổn thương, buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu lỏng, đi ngoài ra máu. Giun đũa có thể gây tắc ruột, lồng ruột, viêm tắc ruột, giun chui ống mật, viêm ruột thừa, dẫn đến suy dinh dưỡng, giảm khả năng phát triển trí tuệ của trẻ. Giun tóc có thể gây tổn thương niêm mạc ruột, hội chứng giống lỵ, dẫn đến rối loạn tiêu hóa, đau bụng, buồn nôn, táo bón, khó tiêu, chán ăn, nhiễm nặng và kéo dài gây sa trực tràng, nhiễm trùng thứ phát, thiếu máu nhược sắc. Giun móc có thể gây thiếu máu nặng, suy tim, phù nề, phụ nữ rong kinh, vô kinh, gầy mòn, phù thũng, suy kiệt, phối hợp các bệnh khác. Người nhiễm trứng giun mất 0,02-0,1 ml máu một ngày gây thiếu máu nhược sắc, suy tim, suy kiệt, viêm dạ dày, tá tràng...

Giun có thể bị nhiễm qua đường ăn uống, do ăn thức ăn không sạch, chưa chín kỹ, uống nước chưa đun sôi, ăn các loại rau sống chưa được rửa sạch, qua bàn tay bẩn, qua nguồn nước không vệ sinh, qua sinh hoạt hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với môi trường đất và qua cả nguồn không khí bị ô nhiễm, trẻ có thể bị nhiễm giun khi đưa đồ chơi bẩn vào miệng, cầm nắm thức ăn không rửa tay sau khi đi đại tiện.

Ai cũng có thể mắc bệnh giun sán, đặc biệt là trẻ em. Trẻ em hầu hết đều có giun, có nhiều loại giun song trẻ thường hay bị giun đũa và giun kim. Vì vậy để phòng tránh giun sán cần tuân thủ các biện pháp phòng chống sau:

- Cắt đứt nguồn nhiễm, điều trị người nhiễm, tẩy giun định kỳ. Cần tập thói quen tẩy giun định kỳ cho cả gia đình tối thiểu 6 tháng một lần (ít nhất 2 lần trong năm).

- Chống phát tán mầm bệnh, tăng cường vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, vườn tược sạch sẽ. Quản lý chặt chẽ phân nước rác. Mỗi gia đình cần có hố xí hợp vệ sinh, không phóng uế bừa bãi. Không dùng phân tươi chưa ủ kỹ bón ruộng. Không để ruồi nhặng bậu vào thức ăn. Không để chó, lợn, gà... tha phân gây ô nhiễm môi trường.

- Không ăn uống thức ăn chưa nấu chín, ôi thiu, cần rửa kỹ thực phẩm dưới vòi nước sạch.

  • Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi đại tiện, không nghịch bẩn, thường xuyên tắm rửa, không đi chân đất, không để trẻ bò lê la dưới đất. Cắt móng tay, đi dép thường xuyên, bảo hộ lao động khi tiếp xúc với đất.

 

 

 

Nội dung khác

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

Ý KIẾN PHẢN HỒI

MỌI Ý KIẾN PHẢN ÁNH VUI LÒNG LIÊN HỆ:

HOTLINE :

EMAI : mn.lat.con@hoabinh.edu.vn

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay : 0
Hôm qua : 538
Tất cả : 9082