Loading...
Đăng nhập

Bài tuyên truyền về sốt xuất huyết

1. Tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết Dengue 

Tác nhân dẫn đến sốt xuất huyết là Virus Dengue với 4 type: DEN-1, DEN-2, DEN-3, và DEN-4. Người mắc sốt xuất huyết có thể bị mắc bệnh nhiều lần với các chủng khác nhau hoặc cùng một chủng.

Virus sốt xuất huyết có dạng hình cầu, có thể bị tiêu diệt bởi tia cực tím hoặc nhiệt độ từ 60 độ C trở lên trong thời gian 30 phút và 40độ C trong vài giờ. Vật chủ trung gian lan truyền virus sốt xuất huyết là muỗi Vằn có tên khoa học là Aedes Aegypti. Loài muỗi này sinh sôi, phát triển nhanh ở những khu vực có môi trường vệ sinh kém, nước đọng, ẩm thấp, bụi rậm,… và bùng phát mạnh vào mùa mưa. 

Chính vì vậy mà việc tiêu diệt muỗi, phát quang bụi rậm, giữ vệ sinh môi trường sạch, khô thoáng,… là biện pháp tốt nhất để hạn chế nguy cơ sốt xuất huyết trở thành dịch. 

2. Dấu hiệu nhận biết sốt xuất huyết và biến chứng nguy hiểm

Những triệu chứng của sốt xuất huyết rất đa dạng theo các giai đoạn khác nhau. Thời gian đầu, bệnh có những biểu hiện không rõ ràng nên dễ gây nhầm lẫn với những bệnh lý thông thường khác. Khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng, nguy cơ biến chứng có thể xảy ra và tệ nhất là tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bạn có thể nhận biết sốt xuất huyết thông qua một số đặc điểm sau: 

  • Sốt cao trên 39 độ C liên tục 2 - 3 ngày hoặc dài hơn. Đồng thời, việc uống thuốc hạ sốt không có tác dụng. 
  • Buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi, chán ăn.
  • Đau đầu và hốc mắt, các khớp khiến toàn thân rã rời, uể oải. 
  • Nổi mẩn đỏ, phát ban trên da từ nhẹ đến nặng, gây ngứa ngáy. 
  • Chảy máu ở nhiều vị trí như chảy máu mũi, chân răng, nướu lợi, rối loạn kinh nguyệtrong kinh, đi phân máu hoặc phân đen,… 

Những biểu hiện trên là các triệu chứng điển hình mà hầu hết các bệnh nhân sốt xuất huyết đều gặp phải. Ngoài ra cũng có những bệnh nhân không xuất hiện triệu chứng nào và có thể tự khỏi. Nhưng cũng có trường hợp bệnh diễn biến âm thầm sau đó đột ngột biến chứng nặng. 

Do đó, trong bất kỳ trường hợp nào, ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ sốt xuất huyết, tốt nhất bạn nên đến cơ sở y tế để thăm khám và chẩn đoán bệnh một cách chính xác, từ đó đưa ra phương pháp điều trị thích hợp và an toàn. 

Với mỗi triệu chứng của sốt xuất huyết, bác sĩ sẽ có biện pháp điều trị thích hợp để nhanh chóng cải thiện tình trạng bệnh. Chính vì vậy mà khi có dấu hiệu nghi ngờ, bạn cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh. Nếu bạn chưa tìm được địa chỉ nào để xét nghiệm chẩn đoán hoặc điều trị sốt xuất huyết thì các cơ sở trực thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC là gợi ý an toàn hiện nay. 

Sốt xuất huyết ở trẻ em là gì?

Sốt xuất huyết ở trẻ em và người lớn là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus Dengue gây ra. Virus lây truyền sang người do vật chủ trung gian là muỗi vằn. Khi người bị muỗi đốt, virus sẽ lây truyền sang người và thâm nhập vào máu. Ngược lại, nếu người bị muỗi đốt đã có sẵn virus Dengue do nhiễm trước đó, virus sẽ truyền sang muỗi.

Có thể nói, sốt xuất huyết đã trở thành mối quan ngại lớn với sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới trong những năm gần đây. Trên thế giới, có khoảng 2,5 tỷ người hiện đang sống trong vùng có dịch bệnh sốt xuất huyết lưu hành. Sự lan tràn về mặt địa lý của muỗi và virus tăng cao tỷ lệ bệnh trong vòng 25 năm qua, cũng như khả năng xuất hiện dịch do nhiều chủng huyết thanh khác nhau ở các đô thị vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.

Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em

Người nhiễm virus Dengue do muỗi thuộc chi Aedes đốt. Đây là giống muỗi truyền bệnh chủ yếu ở hầu hết các khu vực bệnh lưu hành. Thời gian hoạt động của muỗi thường là vào ban ngày và chỉ có muỗi cái mới đốt người và truyền bệnh.

muoi Aedes
Người nhiễm virus Dengue do muỗi thuộc chi Aedes đốt

Virus Dengue là nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em, bao gồm 4 chủng lần lượt là: DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh nhân nhiễm chủng virus Dengue nào, chỉ có khả năng tạo miễn dịch với chính chủng virus đó mà thôi. Điều này có nghĩa là, người đã từng mắc sốt xuất huyết do virus Dengue vẫn có khả năng mắc bệnh nhiều hơn một lần trong đời.

Đáng lo ngại hơn, tỷ lệ người nhiễm virus Dengue do muỗi đốt gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Sốt xuất huyết hiện đã trở thành đại dịch trên 100 quốc gia tại Châu Phi, Châu Mỹ, khu vực phía Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Trong đó, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương là hai khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trước năm 1970, chỉ có 9 quốc gia có virus Dengue lưu hành. Đến năm 1995, con số này đã tăng lên gấp 4 lần. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính mỗi năm có khoảng 50 đến 100 triệu người mắc bệnh sốt xuất huyết.

Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em

Ở trẻ em, trong từng giai đoạn cụ thể, bệnh sốt xuất huyết sẽ có những dấu hiệu đặc trưng nhất định.

Dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ em giai đoạn sốt

Giai đoạn đầu tiên khi bệnh sốt xuất huyết bắt đầu khởi phát, trẻ sẽ gặp hiện tượng trán nóng ran, sốt cao từ 39 đến 40 độ C trong 2 – 5 ngày đầu.

Ngoài ra, một số dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ em khác mà phụ huynh cần lưu ý như:

  • Sốt cao không thuyên giảm dù được chườm ấm và uống thuốc hạ sốt;
  • Đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, chán ăn, hắt hơi, sổ mũi;
  • Xuất huyết dưới da: chảy máu mũi, phát ban, chảy máu chân răng, nổi phát ban, nổi mẩn trên da.
  • Biểu hiện sốt xuất huyết ở trẻ em giai đoạn nguy hiểm

    Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời ở giai đoạn đầu của bệnh, sốt xuất huyết có thể khiến trẻ nguy kịch. Từ ngày thứ 3 đến thứ 7 của bệnh được xem là giai đoạn nguy hiểm. Trẻ lúc này có thể đã hạ sốt, tuy nhiên bắt đầu có dấu hiệu tăng tính thấm thành mạch gây biểu hiện thoát huyết tương.

    Các biểu hiện sốc khi thoát huyết tương bao gồm: Bứt rứt, vật vã, lờ đờ, mệt mỏi; da lạnh ẩm, đầu chi lạnh; mạch nhanh nhỏ; huyết áp kẹt hoặc huyết áp tâm trương tăng/ tâm thu giảm; tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp người bệnh; ít đi tiểu; xuất huyết nhiều dưới da hoặc xuất huyết nội tạng; đau bụng; hay khát nước; chướng bụng do thoát huyết tương.

    Một số biểu hiện nghiêm trọng khác của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em như: sưng đau gan, tràn dịch màng bụng, màng phổi hay mô kẽ, nề mi mắt.

    Nhận biết sốt xuất huyết ở trẻ em giai đoạn hồi phục

    Sau khi vượt qua giai đoạn nguy hiểm nhờ điều trị kịp thời, đúng cách ở trẻ bị sốt xuất huyết bắt đầu có những dấu hiệu phục hồi. Cơ thể trẻ dần bình phục, sức khỏe được cải thiện với những tín hiệu đáng mừng như đi tiểu nhiều hơn, có cảm giác thèm ăn, huyết áp ổn định hơn.

    Trẻ bị sốt xuất huyết có nguy hiểm không

    Theo ghi nhận, trong 5 tháng đầu năm 2022, TP.HCM ghi nhận tổng cộng 10.052 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm 2021. Số ca sốt xuất huyết nặng là 194, tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021 (28 ca). (1)

    Tại nhiều bệnh viện nhi trên địa bàn thành phố, số lượng bệnh nhi nhập viện do sốt xuất huyết ngày một gia tăng. Đặc biệt, có những ca tiên lượng nặng, trẻ bị tổn thương đa cơ quan như gan, thận, phải thở bằng máy, lọc máu. Nhóm tuổi sốt xuất huyết trở nặng thường gặp là từ 8 tới 13 tuổi.

    tre bi sot xuat huyet
    Những ca sốt xuất huyết nặng có thể gây tổn thương đa cơ quan như gan, thận, trẻ phải thở bằng máy, lọc máu

    Theo các chuyên gia, các trường hợp sốt xuất huyết trở nặng thường do nhập viện trễ. Do dịch Covid-19, nhiều người dân vô tình quên đi sốt xuất huyết là một bệnh lý nguy hiểm thường gặp vào thời điểm này mỗi năm. Mặt khác, triệu chứng ban đầu của bệnh có những điểm tương đồng, khó phân biệt với những bệnh nhiễm siêu vi khác như cúm, đặc biệt triệu chứng ở giai đoạn khởi phát của bệnh có những khi giống với Covid-19 nên thường bị bỏ sót.

    Theo BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM cho biết: “Để tránh nguy cơ trở nặng và những biến chứng của bệnh sốt xuất huyết, phụ huynh cần lưu ý khi trẻ sốt cao liên tục từ 3 ngày trở lên cần được đưa đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Không tự ý mua thuốc điều trị, cần tuân thủ lịch tái khám, không chủ quan khi thấy trẻ bớt sốt bởi trẻ có thể đột ngột trở nặng vào ngày thứ 3 cho đến ngày thứ 7 của bệnh. Sốt xuất huyết nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời hầu hết sẽ diễn tiến thuận lợi, ít trường hợp biến chứng, tử vong”.

    Biến chứng sốt xuất huyết thường gặp ở trẻ

    Sốt xuất huyết có thể gây những biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng của trẻ nhỏ:

    • Thoát huyết tương nặng làm giảm khối lượng tuần hoàn dẫn đến sốc sốt xuất huyết;
    • Xuất huyết nặng;
    • Chảy máu cam nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng. Xuất huyết nặng có thể dẫn đến đông máu rải rác lòng mạch;
    • Xuất huyết nặng cũng có thể xảy ra ở người bệnh dùng các thuốc như aspirin, ibuprofen để hạ sốt hoặc dùng corticoid, người có tiền sử loét dạ dày, tá tràng hoặc viêm gan mạn;
    • Suy tạng nặng;
    • Suy gan cấp, men gan AST, ALT ≥ 1000 U/L;
    • Suy thận cấp;
    • Rối loạn tri giác (sốt xuất huyết thể não);
    • Viêm cơ tim, suy tim.

    Điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em

    Sốt xuất huyết hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị. Phương pháp điều trị sốt xuất huyết ở trẻ chủ yếu tập trung vào việc điều trị triệu chứng như hạ sốt, bù nước, truyền dịch,… Đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi khi mắc sốt xuất huyết rất dễ diễn tiến nặng và nguy kịch do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Do đó, phụ huynh tuyệt đối không điều trị bệnh tại nhà cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, cần phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám và chỉ định phương pháp điều trị.

    Tùy vào triệu chứng mà trẻ gặp phải khi mắc bệnh sốt xuất huyết mà các bác sĩ sẽ có những chỉ định điều trị riêng. Một số trường hợp nhẹ có thể được chỉ định điều trị ngoại trú dưới sự hướng dẫn và theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ. Tuy nhiên đa số các trường hợp trẻ mắc sốt xuất huyết cần nhập viện và điều trị kịp thời.

    Các trường hợp nhẹ được chỉ định điều trị ngoại trú, phụ huynh có thể thực hiện các biện pháp:

    • Uống thuốc hạ sốt có thành phần paracetamol đơn chất nếu trẻ sốt trên 38.5 độ C; (2)
    • Nếu trẻ sốt cao không thuyên giảm, phụ huynh kết hợp cho trẻ uống paracetamol và lau người bằng nước ấm, mặc quần áo thoáng mát;
    • Bù nước và chất điện giải bằng đường uống với nước sôi để nguội, nước cháo loãng, nước trái cây;
    • Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ và tình trạng của trẻ;
    • Báo ngay cho bác sĩ nếu trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường hoặc sốt cao liên tục không hạ.

    Cách chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà

    Những việc nên làm khi chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết

    1. Hạ sốt đúng cách

    Khi trẻ sốt trên 38.5 độ C, phụ huynh cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol (liều chỉ định 10 – 15mg/kg). Tiếp tục cho trẻ uống sau 4-6 giờ nếu trẻ vẫn còn sốt.

    Bên cạnh dùng thuốc, phụ huynh kết hợp chườm ấm tại các vị trí như trán, nách, bẹn. Điều này giúp trẻ tránh được tình trạng sốt cao gây co giật vô cùng nguy hiểm.

    2. Chế độ dinh dưỡng hợp lý

    Khi trẻ bị sốt xuất huyết, cơ thể thường rất mệt mỏi dẫn đến chán ăn. Do đó, phụ huynh nên cho trẻ ăn những món ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa, kết hợp cùng những món ăn con thích nhưng vẫn đảm bảo bổ sung đầy đủ hàm lượng dinh dưỡng cần thiết. Có thể chia nhỏ bữa ăn để trẻ dễ ăn hơn.

    dinh duong cho tre bi sot xuat huyet
    Cho trẻ ăn những món ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa, kết hợp cùng những món ăn con thích

    3. Bổ sung nước

    Trẻ sốt cao kéo dài có thể dẫn đến mất nước. Do đó, bổ sung kịp thời lượng nước hao hụt với nước trái cây, nước cháo loãng, nước lọc, dung dịch điện giải Oresol là việc vô cùng quan trọng.

    Hãy đưa trẻ đến bệnh viện ngay nếu xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm như đã đề cập ở phần trên.

    Những việc không nên làm

    Trong quá trình chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà, phụ huynh không tùy tiện cho trẻ sử dụng thuốc Aspirin hay Ibuprofen khi chưa có chỉ định của bác sĩ vì có thể gây xuất huyết dạ dày; không cạo gió; không cho trẻ ăn những loại thực phẩm có màu đen / đỏ để phân biệt với triệu chứng xuất huyết tiêu hóa; không tùy tiện truyền dịch cho trẻ tại nhà.

    Phòng ngừa sốt xuất huyết

    Sốt xuất huyết hiện vẫn chưa có vắc xin dự phòng. Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng và phòng tránh muỗi đốt.

    Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi bằng cách đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không thể vào đẻ trứng. Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn để diệt lăng quăng. Thường xuyên lau rửa dụng cụ chứa nước hàng tuần. Thu gom và thiêu hủy các vật dụng phế thải trong và xung quanh nhà, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến. Thường xuyên thay nước bình hoa.

    Phòng chống muỗi đốt bằng việc mặc quần áo dài tay. Ngủ màn kể cả ban ngày. Dùng bình xịt diệt muỗi, kem chống muỗi, vợt điện diệt muỗi. Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi. Để trẻ sốt xuất huyết nằm trong màn tránh muỗi đốt, tránh lây lan bệnh cho người khác.

    Không chỉ phòng ngừa sốt xuất huyết, người dân còn cần phòng ngừa các căn bệnh thường gặp vào mùa hè như viêm não Nhật Bản, sởi, ho gà, quai bị, rubella,… Đây là những căn bệnh đã có vắc xin phòng ngừa hiệu quả.

    Sốt xuất huyết ở trẻ em là căn bệnh nguy hiểm, dễ diễn tiến nặng, thường dễ bị lầm tưởng với nhiều căn bệnh nhiễm trùng khác, dẫn đến chậm trễ trong việc điều trị. Trong bối cảnh nước ta đang bước vào mùa cao điểm nắng nóng, người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh sốt xuất huyết và những căn bệnh truyền nhiễm thường gặp có thể phòng ngừa bằng vắc xin.

    Tiêm vắc xin sốt xuất huyết ở đâu tốt? Nên tiêm mấy mũi là đủ?

     
Nội dung khác

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

Ý KIẾN PHẢN HỒI

MỌI Ý KIẾN PHẢN ÁNH VUI LÒNG LIÊN HỆ:

HOTLINE :

EMAI : mn.lat.con@hoabinh.edu.vn

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay : 25
Hôm qua : 45
Tất cả : 11708